Sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên nếu bị các tác nhân bên ngoài tấn công rất dễ gây nên bệnh da liễu. Những căn bệnh đó không những gây khó chịu, mất thẩm mỹ cho trẻ nhỏ mà nếu không kịp thời chữa trị còn gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số thông tin của Vietskin chia sẻ về các bệnh ngoài da ở trẻ em hay gặp, các mẹ nên tham khảo để có thêm kiến thức hơn tới sức khỏe của trẻ. Từ đó biết được cách chăm sóc bảo vệ con em mình một cách tốt nhất.
1. Rôm sảy
Rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em rất phổ biến trong mùa hè, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là trong thời tiết nóng nực, mồ hôi bé tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Miệng ống bài tiết dễ bị bụi, ghét bịt kín nên khiến cho làn da của bé bị nổi rôm sảy.
Triệu chứng:
Rôm sảy biểu hiện là nhiều nốt sẩn mụn nhỏ lấm tấm màu hồng, cứng mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều, bị bịt kín của bé như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể… thì sẽ càng có nhiều rôm hơn. Trẻ thường thấy ngứa ngáy nhất là khi nóng bức, mồ hôi ra nhiều.
Cách chăm sóc:
Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. không mặc quá nhiều quần áo hoặc quấn tã.
Giữ nhiệt độ trong phòng đừng cao quá, hé mở cửa sổ để không khí lưu thông.
Cho trẻ uống nhiều nước, không nên ăn nhiều đồ ngọt.
Tắm trẻ bằng nước ấm, hoặc bằng sữa tắm của bác sĩ da liễu kê, thoa bột talc vào những chỗ ra nhiều mồ hôi.
2. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh ngoài da ở trẻ em có thể xuất hiện quanh năm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp lúc thì có thể dẫn tới trường hợp sốc, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi thậm chí là tử vong.
Triệu chứng:
Sốt nhẹ hoặc cao trên 38,5°c, kéo dài trong 48 giờ và có các tổn thương trên da như dát đỏ, nổi mụn nước quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối.
Trẻ quấy khóc dai dẳng, thậm chí cả là cả đêm không ngủ.
Giật mình ngay cả khi trẻ đang chơi, các cơn giật mình có thể tăng tần suất theo thời gian. Đây là triệu chứng cảnh báo các biến chứng thần kinh
Cách chăm sóc:
Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.
Chất thải của trẻ cần được xử lý bằng cloramin b trước khi cho vào hệ thống chất thải chung. Người nhà thường xuyên vệ sinh tay khi chăm sóc cho bé.
Bệnh tay chân miệng có thể lây lan qua đường tiếp xúc, cho nên khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng thì nên cách ly trẻ với các trẻ em khác. Bạn nên cho bé đi khám các bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp nhất, tránh các biến chứng xảy ra.
Đối với trường hợp trẻ mới mắc bệnh và nhẹ, thì bác sĩ có thể kê đơn và để bạn có thể tự khắc phục bệnh cho bé ngay tại nhà..
Đối với trường hợp trẻ bị nặng trở lên thì cần cho bé nhập viện để theo dõi và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nếu trẻ sốt cao liên tục không hạ hoặc có biểu hiện giật mình ngay cả khi đang chơi đùa, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để được theo dõi phát hiện biến chứng
3. Chàm eczema
Bệnh ngoài da ở trẻ em tiếp theo không thể thiếu đó là bệnh chàm eczema. Nguyên nhân của bệnh ngoài da này là do gen di truyền, bị kích hoạt bởi thời tiết quá nóng hoặc lạnh, tác nhân dị ứng, xà phòng, quần áo len, nhiễm khuẩn… khiến cho trẻ mắc bệnh.
Triệu chứng:
Chỗ da bị chàm eczema dị ứng thường bị trầy, khô, tróc vảy, đỏ và ngứa. Có thể có những chỗ da rộp nhỏ trắng, nếu gãi vỡ ra thì rỉ nước vàng. Ngứa khiến cho trẻ cào xước, quấy khóc và mất ngủ nghiêm trọng.
Cách chăm sóc:
Đưa trẻ đi khám bác sĩ da liễu (có thể kê toa kem chống viêm và thuốc kháng histamin).
Nhận biết nguyên nhân chứng bệnh ngoài da eczema (bác sĩ tư vấn): chó, mèo, bột giặt, thức ăn…để phòng tránh tiếp xúc.
Thoa kem làm mềm da cho trẻ và cắt móng tay thật ngắn để trẻ không cào làm tổn thương da.
Cho trẻ mặc quần áo bằng cotton, đừng cho bé mặc đồ len.
Đảm bảo quần áo trẻ phải được xả nước thật kỹ để không còn dấu vết bột giặt hay nước xả vải.
4. Mụn nhọt
Triệu chứng:
Lúc đầu, da trẻ sẽ đỏ và sưng lên. khi mủ vàng tụ dưới da, chỗ sưng sẽ lớn lên, gây đau nhức. Mụn nhọt có thể lan rộng ra do các nang lông nằm kề nhau.
Cách chăm sóc:
Vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ, mặc quần áo vải cotton.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ da liễu khi có một trong các dấu hiệu: có nhiều mụn nhọt, có dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng, nhọt đau nhiều, sau 2-3 ngày nhọt không bể ra.
Nếu ung nhọt nhẹ có thể dùng cồn 70-90 độ hay thuốc sát trùng chấm nhè nhẹ vào vùng nổi nhọt và che kín bằng một miếng gạc băng bó.
Không nên cố làm cho nhọt vỡ ra. vì sẽ rất đau và làm nhiễm trùng lan rộng.
5. Chốc lở
Chốc lở là bệnh ngoài da ở trẻ hay gặp, nguyên nhân là do vi khuẩn vì vậy chúng lan rất nhanh nếu không được chữa trị kịp thời.
Triệu chứng
Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Chốc lở có thể lan sang vùng kế cận. Sau khi bong vảy, thường để lại vết thâm lâu dài.
Cách chăm sóc:
Đưa trẻ đi khám bác sĩ để được kê toa kem, thuốc kháng sinh
Rửa sạch vùng da đóng vảy cứng bằng nước ấm và thấm khô.
Trong thời gian trẻ mắc bệnh cha mẹ nên sử dụng khăn mặt và khăn tắm loại dùng một lần rồi bỏ để tránh lây bệnh.
Nên cho trẻ nghỉ học tới khi khỏi hẳn vì chốc lở rất dễ lây.