Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ bị các bệnh viêm đường hô hấp trên do tác động bên ngoài như thay đổi thời tiết, môi trường sống ô nhiễm,… Khi bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, quấy khóc và bỏ bú. Các bậc phụ huynh cần theo dõi nhằm phát hiện và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời đề phòng các biến chứng xảy ra.
1. Bệnh viêm đường hô hấp trên là gì?
Đường hô hấp trên là cơ quan ngoài cùng tiếp xúc với không khí. Chính vì vậy đây là bộ phận dễ chịu sự ảnh hưởng từ mọi điều kiện bất lợi từ môi trường bên ngoài như bụi, lạnh, nóng, hơi độc, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc…
Đường hô hấp trên được tính từ mũi đến thanh quản bao gồm mũi, họng và thanh quản. Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào sẽ làm xuất hiện các triệu chứng của cảm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa… Các bệnh này gọi chung là viêm đường hô hấp trên.
2. Dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp trên
Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gặp, dễ điều trị nhưng lại hay tái phát với các triệu chứng sau:
- Đối với trẻ sơ sinh: Triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ (khoảng 38,50C), ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè, quấy khóc, bỏ bú…
- Đối với trẻ lớn: Triệu chứng thường gặp là chảy mũi hoặc nghẹt mũi, sổ mũi, ho, đau họng, khàn tiếng, sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn…
Các triệu chứng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phổi. Triệu chứng của viêm phổi ở trẻ sơ sinh cũng rất sơ sài, có trẻ sốt mà cũng có trẻ không sốt, thậm chí thân nhiệt lại hạ nên nhiều bậc cha mẹ chủ quan, khi đến khám thì con đã bị viêm phổi. Khi thấy các dấu hiệu trẻ biếng ăn, bú yếu, quấy khóc, da xanh, thở không đều, cánh mũi phập phồng, lõm kẽ liên sườn…thì bệnh đã chuyển nặng.
Tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà phương pháp chăm sóc và điều trị là khác nhau:
- Mức độ nhẹ: Với các triệu chứng ho, sốt nhẹ, sổ mũi (có hoặc không), nghĩa là chỉ viêm nhẹ đường hô hấp trên, thì chỉ cần cho bé nhấp ít mật ong (cứ 6 giờ / lần, mỗi lần nửa thìa cà phê) hoặc nhấp nước quất hấp đường kính (lấy quả quất vắt bỏ bớt nước, đem hấp cách thủy với đường kính trong 20 phút, chắt lấy nước, thỉnh thoảng cho bé nhấp miệng).
Mức độ vừa: Với các triệu chứng ho, sốt, thở nhanh (> 50 lần/phút), nghĩa là bé bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nhẹ. Trong trường hợp này cần cho bé đến trạm y tế khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Mức độ nặng: Với các triệu chứng ho, sốt, thở nhanh, co rút lồng ngực (rút lõm), nghĩa là bé đã bị viêm phổi. Phụ huynh cần cho bé đến tại trạm y tế để được theo dõi và kịp thời xử trí khi cần.
- Mức độ rất nặng: Với các triệu chứng ho, thở nhanh, co rút lồng ngực kèm theo tím tái (tím tái quanh môi, lưỡi), nghĩa là bé đã bị viêm phổi nặng và đã bị biến chứng. Bé cần được đưa đến bệnh viện ngay để được hồi sức cấp cứu.